Như đã hứa hươu hứa vượn từ năm ngoái, tớ xin phép được bắt đầu chùm bài viết về quản lý tài chính cá nhân ạ. Tiện thể năm nay vẫn không được ra khỏi Sing nên tớ sẽ trở thành con người bo rìng chuyên viết về chi tiêu tiền bạc vậy :))
Có gì (có thể) hay ho ở series này? Tài chính cá nhân (Personal Finance) theo tớ thì có 3 mục chính, gồm có: Quản lý chi tiêu, Tiết kiệm và Đầu tư. Có 1 mục nữa cũng khá quan trọng là Nợ (Liability) cơ mà vì tớ theo chủ nghĩa thuê chứ không mua nhà, (ít nhất là vẫn nghĩ vậy trong thời điểm hiện tại 😅), với cả tính đạp xe suốt đời :))) nên không cần mua xe hơi gì hết nên không có chút kinh nghiệm nào, cũng như chưa học gì về nợ nần lắm. Hê.
Ai đọc cái này thì phù hợp? Việc chuyện tiền bạc hay là rèn luyện thể thao đối với tớ không phải là một con số, mà là một cách sống. Thế nên, tớ hy vọng rằng những gì mình viết sẽ có ích cho tất cả những bạn nào đang bắt đầu tập làm người lớn, hoặc cả những người đã lớn rồi mà vẫn hoang mang về chuyện tiền nong. Nói đi thì cũng nói lại là tớ hoàn toàn ok khi bị chỉnh ở blog này nên cả những bạn savvy hơn về tiền nong cũng có thể vào để nhắc tớ nè!
Bắt đầu nhé, quản lý chi tiêu nghe có tính ràng buộc, nhưng nếu bạn biết thiết lập budgeting một cách thông minh, (quan trọng, rất quan trọng), nó sẽ hoàn toàn giải phóng việc đắn đo suy nghĩ mỗi khi bạn cần quyết định rút tiền ra khỏi ví (hay là quẹt thẻ 💁).
Budgeting cũng là cốt lõi trong việc xây dựng nền tảng tài chính của bạn. Nếu không biết quản lý dòng tiền ra, vào thì nguy cơ cao là chưa tới giữa tháng lương đã bay vèo, đừng nói gì tới tiết kiệm và đầu tư gì nữa.
Ok tớ bắt đầu thấy càng giải thích càng rối rồi =))) thế nên nhảy thẳng vào các bước để thiết lập budget nhé!
Bước số -1: Thống kê chi tiêu
Trước khi nghĩ về việc budgeting thì việc đầu tiên tớ muốn nhắc đến đấy là phải biết tiền của bạn đang đi đâu về đâu. Tại sao: tại vì bạn không muốn tự bó mình vào 1 đống số vô nghĩa như: tiền ăn tầm 5 triệu/tháng, tiền quần áo chắc 2 triệu/tháng, tiền đi chơi 5 triệu/tháng. Và hơn nữa là bạn có thể có nhiều loại chi tiêu hơn bạn nghĩ đó, và hơn nữa là khi mà thế giới có trăm nghìn loại dùng thử và bạn lỡ nhập thông tin thẻ mà quên rút ra trước khi bị tính phí thì đây cũng là một bài tập rất rất có tác dụng :))
Tớ xin mở hàng chia sẻ một số tips để quản lý chi tiêu mà tớ thó được từ chỗ nọ chỗ kia:
Lập bảng chi tiêu
Mỗi tháng tớ sẽ ngồi một mình đàm đạo với bảng chi tiêu của tớ một lần, thường là vào ngày cuối cùng của tháng cũ, hoặc là ngày đầu của tháng mới, block hẳn một vài tiếng để làm cái tớ gọi là Monthly Taboo.
Quản lý chi tiêu không đồng nghĩa với việc đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành, kiểu là hôm nay ăn cơm hết từng này, uống trà sữa hết từng kia mà nên gộp theo các mục lớn một cách có kế hoạch. Nên nhớ, keyword ở đây luôn là THÔNG MINH :))). Tớ thì thông minh bình thường nên tớ xin phép mượn bác Maslow để sắp xếp chi tiêu của tớ, 1 là nó rất logic, 2 là dễ để có thể xem khoản nào mình có thể điều chỉnh, và khoản nào không. Chúng nó bao gồm:
- Các khoản thiết yếu (Essential), những khoản mà đói kém cỡ nào cũng phải có, và thường là ổn định hàng tháng
- Nhà cửa (tớ đi ở thuê thì sẽ là tiền rent, còn bạn nào mua nhà sẽ là tiền trả góp/mortgage)
- Các loại bills (điện, nước, điện thoại)
- Nhu yếu phẩm hằng ngày (giấy vệ sinh, dầu rửa bát, kem đánh răng v.v)
- Tiền ăn (tự nấu với ăn ngoài nhưng không gồm tiền đi ăn chơi :p)
- Thuế (nhớ nhé, nhất là đối với các bạn sống ở nước ngoài khi mà thuế đóng theo năm chứ không phải theo tháng, cực kỳ quan trọng! Dù không rõ là bác Maslow có cho thuế vào nền cái tháp không nhưng mà tớ nghĩ đây là điều cũng sống còn nên cho vào luôn, không ai có thể qua mặt IRAS!!)
- Các khoản linh hoạt (Flexie), những khoản này không phải tháng nào cũng cần có, không có thì cùng lắm là không ra khỏi nhà thôi 😂
- Làm đẹp (gồm có quần áo, skincare, makeup vân vân và mây mây, đấy chưa chi đã thấy làm con gái tốn kém hơn rồi)
- Tiền xã giao (đi cafe, đi ăn đi nhậu với bạn bè/người quen hay đi dating)
- Tiền du lịch (“may” ghia, khoản này về số 0 cho tớ cả 1 năm rồi 🙃)
- Các khoản giải trí, sở thích (Recreational) những khoản này trong Maslow sẽ là về khám phá và khẳng định bản thân. Không biết mọi người như nào nhưng khoản này của tớ chứng tỏ tớ khẳng định bản thân nhiều vcl =))
- Các thể loại giải trí/self-fulfillment (tiền netflix, sách, tiền học thêm kĩ năng, không kể tiền ngu nha)
- Các thể loại sở thích (thể thao, sưu tầm gì đó) – đây là khoản mà tớ lúc nào cũng nghĩ là ôi nó xứng đáng mà, và luôn quẹt thẻ không chớp mắt, please help!!!
- Các khoản cực kì bất bình thường (Emergency/ One-off) Những khoản chi tiêu này có thể chỉ xảy ra 1 lần trong đời mà bạn không dự tính được, như là vào bệnh viện, hỏng xe hay cưới vợ cưới chồng :))
Nói chung là càng xếp một cách logic và súc tích càng tốt. Đừng chia nhỏ các khoản quá nếu không sẽ rất khó để theo dõi và lập ngân sách đó!
Đây là một cái fun graph mà tớ làm năm ngoái từ bảng chi tiêu của tớ. Tớ nói thật là mỗi tháng tớ HÓNG tới ngày 30 để ngồi làm bảng, vui vl luôn! (và vâng, tớ biết là không phải ai cũng nerdy như tớ, nhưng nhưng tớ thề là vui mà…)
Tự động hoá, tự động hoá: Automation is beauuutiful!!!
Okie vâỵ là bạn đã được/bị thuyết phục bởi lợi ích của việc thống kê chi tiêu rồi đúng không? Thế nhưng mà không như tớ (biết biết), bạn ghét việc nhập từng khoản chi tiêu vào excel rồi tự làm graph (tớ biết là không phải ai cũng làm graph excel đẹp như tớ 😗), yên tâm, luôn có giải pháp cho bạn.
- Sử dụng app để nhập liệu/thống kê
Có rất nhiều ứng dụng cho phép bạn nhập và phân loại chi tiêu, thậm chí có giao diện với biểu đồ rất đẹp để thống kê hàng tháng/năm cho bạn nữa. Tớ hiện tại đang dùng Spendee (tớ không được tài trợ j nha, chủ yếu là vì nó xinh hihi) nhưng cũng có khá nhiều app khác tớ nghe đồn khá tốt như Mint hay YNAB. Các app này cũng cho phép bạn lập 1/2 budget với tài khoản miễn phí nữa.
- Sử dụng app để tự động hoá tất tần tật
Nãy giờ đùa hơi nhiều về excel nhưng thật ra tớ cũng phải nhập vào app rồi cuối tháng vẽ lên excel ý. Nhưng mà sau 1 năm nhập liệu tớ thấy nó hơi bị đau đầu vì không phải lúc nào sau khi trả tiền tớ cũng nhập được, hay là có những khoản auto trả bằng thẻ nếu không để ý cũng không thống kê được ý. Thế nên là tớ chơi luôn pro version của Spendee thay vì dùng free.
Nếu bạn nào mà không muốn thủ công với có khả năng trả tầm vài trăm nghìn 1 năm để dùng phiên bản pro của các app kia, thì hoàn toàn có thể thảnh thơi 1 tháng chỉ cần dành tầm 30 phút cho việc quản lý chi tiêu thôi. Game changer luôn!
Bước số 0: Giải nghĩa thói quen chi tiêu của bạn
Sau khi đã bắt đầu thống kê chi tiêu của mình hàng tháng rồi, đừng vội nhảy ngay vào bước lập budget luôn nhé! Số liệu thì quan trọng thật đó, nhưng mà việc giải nghĩa còn quan trọng hơn nhiều.
Personal finance – hay là tài chính cá nhân có nghĩa là nó personal, mỗi người có một thói quen chi tiêu khác nhau.
Ví dụ như đối với tớ tớ khá là tối giản đối với việc quần áo, trang điểm nhưng lại cực kỳ cực kỳ quan trọng chuyện chỗ ở và chuyện ăn uống hehe.
Thế nên theo ngu ý của tớ là bạn nên chờ tầm khoảng vài 3 tháng sau khi bắt đầu thống kê chi tiêu để hiểu được thói quen, mục nào mà bạn tự tin là sẽ trong vùng kiểm soát và mục nào mà bạn biết là sẽ khiến mình yếu đúi 🥺 và khó nói không, hay là biết khoản nào đáng tiêu còn khoản nào thì hơn một vài chục nghìn cũng không nên.
Các cụ nhà ta ngày xưa có câu: Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng chính là thế.
Bước số 1: Lập ngân sách cho từng mục chi tiêu (Budgeting)
Mãi gần hết bài rồi mới tới mục chính nè hehee. Chắc là ai đọc bài này cũng biết về quy tắc 50/30/20 rồi đúng không. Còn nếu bạn nào chưa biết thì quy tắc budget này hướng tới 50% cho các khoản thiết yếu, 30% cho những khoản linh hoạt/giải trí còn lại 20% cho saving.
Tớ thì không đồng ý với công thức này lắm và một lần nữa lại nhấn mạnh rằng tài chính cá nhân là chuyện rất riêng tư, nên không thể có một công thức nào vừa vặn cho tất cả mọi người. Theo tớ nghĩ thì một người ở độ tuổi như tớ, và phần lớn các bạn theo dõi blog, 20% saving là quá ít, vì đây là thời điểm mà mình chưa có nhiều nghĩa vụ (chưa có gia đình), hy vọng là đều khoẻ mạnh và đang trên đà thăng tiến trong sự nghiệp (người mình thì gọi là giai đoạn làm giàu hay là wealth building đó). Hơn nữa là quy tắc 50/30/20 không dự tính tới những khoản cực kỳ bất thường, có thể làm cho tài chính bạn lao đao.
Thế nên cách mà tớ lập ngân sách sẽ hoàn toàn khác hẳn, đấy là budget dựa trên các mục chi tiêu mà mình đã thống kê ở bước -1 và bước 0. Như này nhé
- Đối với những chi tiêu thiết yếu (Essential): những khoản này là cố định hàng tháng rồi và khá là khó để cắt, thế nên là hầu như tớ sẽ để nguyên hoặc +/- 5%
- Đối với những khoản linh hoạt hoặc giải trí, sở thích: bọn này thì không cố định mỗi tháng nên tớ thường lập ngân sách theo năm, nếu tớ thấy khoản nào không đáng tiêu là tớ cắt hoặc khoản nào đáng mà tớ chưa dám tiêu thì sẽ thêm vào.
- Đối với khoản một lần trong đời: nếu chúng nó thuộc vùng dự đoán được trước như là tiền cưới, mua xe, du lịch, mua nhà chẳng hạn, tớ sẽ chia ngân sách đó theo từng tháng. Còn nếu là những khoản khẩn cấp thì tớ để dành hẳn một số tiền đủ tiêu cho 6 tháng (cái này gọi là quỹ Emergency, tớ sẽ viết riêng ra 1 bài ạ)
Sau khi budget tất tần tật bọn này rồi, tớ sẽ tính nhẩm ra tỉ lệ mà tớ có thể tiết kiệm được (saving rate), và mục tiêu là đẩy tỉ lệ này cao lên tí. Nếu vẫn bị hớ thì tớ sẽ quay lại xem có khoản nào có thể điều chỉnh được và budget lại :3. Nói chung là phải thử nghiệm vài lần thì mới có được một cái ngân sách chuẩn chỉnh, không bó hẹp về chi tiêu quá nhưng vẫn đảm bảo tỉ lệ tiết kiệm của bạn đạt mức tối ưu (tối ưu không phải tối đa à nha).
Bước số 2: Theo dõi chi tiêu
Bước này không hề giống với bước -1 đâu nhé. Thống kê (recording) và theo dõi (tracking) là 2 thứ hoàn toàn khác nhau. Kể cả bạn đã hoàn thành mấy bước trên, có 1 bản excel đẹp thật đẹp hay có 1 dãy budget hợp lý không thể hợp lý hơn được nữa, nhưng mà nếu không theo dõi thì cũng bằng thừa. 🤪
Okie, nhưng mà:
- Tại sao lại phải theo dõi chi tiêu? Tracking cũng như quản lý tiến độ công trình vậy á, bạn phải theo dõi để biết mình đang ở đâu, có đi đúng hướng không, nếu chệch hướng thì phải sửa lại.
- Bao giờ track một lần là vừa? Nếu mà ngày nào cũng vào xem thì hơi quá… còn cuối tháng mới nhìn 1 lần thì cũng hỏng. Với tớ thường là 1 tuần hay 10 ngày 1 lần.
- Thế lại phải excel à? Không, đối với theo dõi chi tiêu tớ hoàn toàn không nghĩ excel là cách tốt. Tất cả những cái app quản lý chi tiêu tớ giới thiệu ở trên đều có thể cho bạn xem tổng quan chi tiêu tới ngày gần nhất mà bạn cập nhật, và thường nó sẽ có biểu đồ, hình ảnh cho mình tưởng tượng dễ hơn.
Bước số 3: Chỉnh sửa lại ngân sách
Như tất cả những thứ trong cuộc đời mình ý, hầu như sẽ không có cái nào giậm chân 1 chỗ. Sẽ có năm bạn thêm cái này, bớt cái nọ. Và mình cũng sẽ phải điều chỉnh những ưu tiên cuộc đời mình dựa vào đó. Thế nên ngân sách của mình cũng không cần phải giống hệt từ năm này qua năm khác. Đấy là lý do mà tớ phản đối mấy cái công thức 50/30/20 kia.
Đơn giản như là 2020 và 2021 thì mấy người ở nước ngoài như tớ chắc là nên cắt giảm 90% tiền du lịch vì có được đi đâu đâu 🤷♀️. Còn phức tạp hơn thì như là lúc bạn nhận trách nhiệm chăm sóc thêm 1 thành viên cho gia đình, hay là đón em bé đầu lòng chẳng hạn. Lúc đó, việc có một tỉ lệ tiết kiệm thấp hơn là hoàn toàn hợp lý.
Anyhow, tớ nghĩ đấy là tất cả những gì có trong đầu tớ, và những gì tớ đã lượm lặt được trong hơn một năm vừa rồi trên con đường xoá mù tài chính cá nhân. Hy vọng là sẽ cho mọi người một cái nhìn mới. Quản lý chi tiêu hay tiền bạc không hề đáng sợ, mà có thể vui nữa đó (excel joke, again 🤣). Nếu ai có tips gì hay thì có thể comment ở dưới hoặc nhắn tin cho tớ nhe!!!
Thanks chị về bài viết rất hữu ích ạ. Chị có thể chia sẻ thêm về mảng Đầu tư được không ạ? Đây là một mảng em nghĩ còn chưa thực sự phổ biến và được quan tâm nhiều ở VN. Như em, từ khi đi làm đều tiết kiệm mỗi thàng một khoản nhỏ nhưng chưa từng đầu tư vì khá ngại rủi ro 🙂 Ngoài ra, gửi chị thêm 1 cách tiếp cận personal finance em thấy cx khá thú vị, thiên về long-run và ng có gia đình hơn ạ: 7 Bước Tiến Tới Tự Do Tài… Read more »
hi em, cảm ơn em nhé ^^. Chắc chắn chị sẽ viết thêm về đầu tư rồi! Bác Ramsey thì trong giới personal finance quá nổi tiếng, nhất là trong trường phái tự do tài chính mà chị theo đuổi. Tuy nhiên chị thấy 1 vài quan điểm của bác ý như là tất cả các thể loại nợ đều xấu hay là phải mua đứt nhà, hơi lỗi thời và ko phải là thông minh nhất trong mọi trường hợp. Stay tuned 😉
Có thể chia sẻ form excel cho tớ không, tớ cảm ơn nhé
hi Huyền, bạn có thể tham khảo form excel ở đây nhé