Này, tớ đang không ổn, tớ đang LANGUISHING

Categories Đíp tí

Hey Hey! Hy vọng mọi người vẫn khoẻ mạnh. Tớ thì vẫn khoẻ, nhưng đang không ổn lắm.

Tớ có khá ít các bài chia sẻ về nội tâm hay cảm xúc, phần lớn vì tớ nghĩ ranting thì không giúp được cho ai cả, thế nhưng quan điểm này của tớ hoàn toàn thay đổi khi tớ đọc được một bài viết tớ đọc được của Adam Grant – giáo sư tâm lý học ở UPen, host của podcast Work Life mà tớ là một fan cứng. Bài blog của Adam có tựa đề là: There’s a Name for the Blah You’re Feeling: It’s Called Languishing. Tớ dịch tạm là: Gọi tên cho cái cảm xúc mà bạn đang gặp phải trong đại dịch: Languishing.

Lần cuối cùng tớ rời khỏi Singapore là tháng 3 năm 2020. Đây là khoảng thời gian dài nhất mà tớ phải xa người thân, người thương và bạn bè. Và đối với một đứa thích bay nhảy và yêu tự nhiên như tớ, điều này thực sự không dễ dàng. Đương nhiên, lúc viết bài này, hay kể cả là trong suốt 1 năm qua, tớ hiểu mình là một trong những người may mắn, khi vẫn giữ được việc làm, được sống an toàn không phải lo lắng qúa nhiều về job security, hay là tiền nong. Chắc đấy cũng là lý do mà mỗi lần tớ cảm thấy hơi xuống tinh thần, thì tớ tự xỉ vả bản thân và lại tự nhủ rằng: “Suck it up, you’re the privileged one. Ngoài kia có bao nhiêu người còn vất vả hơn mình”. Và cách ứng phó với bản thân của tớ: Chối bỏ cái đoạn trầm mà tớ đang gặp phải, chèn thật nhiều lịch training, làm podcast và đặt những mục tiêu cao hơn cho bản thân (có những tuần tớ đạp/chạy/bơi hơn 9 tiếng 1 tuần). Và mặc dù tớ vừa được thăng chức ở chỗ làm, hay những hoạt động thể chất thực sự giúp kéo tinh thần tớ lên, những cái high đó qua rất nhanh, và tớ lại thấy mình ở đáy của những tầm cảm xúc. Cho tới cuối tuần trước, khi mà cái Triathlon tớ đăng ký hồi đầu năm nhẽ ra sẽ được tổ chức vào tháng 4 này bị hoãn tới tận quý 4, tớ có một cái breakdown. Bạn đọc đúng rồi đó, tớ – một con bé suốt ngày được cho rằng bị thừa năng lượng, hyperactive, chỉ vì một cái hoãn nhỏ trong lịch thi đấu mà nằm vật ra khóc (Well, not a moment I’m particularly proud of).

i am sorry netflix GIF by mortifiied

Và cho tới khi đọc được bài blog của Adam Grant, tớ mới nhận ra tớ đã có những dấu hiệu của việc Languishing – hay là sự thờ ơ với cảm xúc của chính tớ được khá lâu rồi.

  • Mất tập trung, hay giảm năng suất trong công việc: Tớ nhận ra mình dành nhiều thời gian hơn để làm một việc khá đơn giản. Cứ 5, 10 phút tớ lại ngó đồng hồ, rồi nghịch điện thoại, trong khi ngày xưa tớ khá tự hào là một người làm việc cực kỳ năng suất. Tớ lờ đi tất cả những cái thông báo, hay checklist trong lịch làm việc của mình. Tớ thậm chí thử nghiệm “No gadget day”, khi mà tớ quyết tâm bỏ hết những đồ điện tử ở nhà, tìm đến chỗ thật yên tĩnh, nhưng vẫn thấy đầu óc mình đi lạc tận đẩu tận đâu khi đọc cuốn sách mới nhất tớ vừa đặt tay.
  • Không có động lực: Có rất nhiều ngày, tớ không hề muốn thức dậy. Mặc dù đồng hồ sinh lý của tớ khá chuẩn, cứ 6h hơn sáng là tự động tỉnh mà không cần báo thức, thì cả mấy tháng nay, tớ ôm chăn ngủ tiếp tới tận sát giờ làm. Thậm chí, có vài hôm tớ không nhấc chân ra khỏi giường và báo ốm, cứ nằm vật vờ như thế đến trưa. Trong thời gian này, không chỉ là tớ có những cái downs về mặt cảm xúc, mà nó còn tác động lên cả thể chất của tớ, dạo gần đây ngày nào tớ cũng cảm thấy mệt mỏi, dù cho khối lượng tập đã giảm đi đáng kể.
    Điều này có lẽ giải thích cho việc tại sao cái sự hoãn của cái Triathlon có sự ảnh hưởng tới tớ như thế. Vì đó là sự kiện có mặt thời gian rõ ràng nhất, và cho tớ nhiều động lực nhất trong mấy tháng vừa rồi.
  • Không hào hứng về tương lai: mặc dù ở rất nhiều vùng ở thế giới, phần đông số người trên 18 tuổi đã được tiêm vaccine chống covid, và có rất nhiều dự án mở cửa biên giới, thậm chí là Olympics Tokyo vẫn sẽ kịp diễn ra, thế nhưng đối với tớ, tớ không có quá hào hứng về nửa cuối 2021, hay là cả năm 2022 trước mắt. Một phần vì Singapore là một nước khá khắt khe, và không đi nhanh như các nước Âu, Mỹ, một phần khác, là vì tớ đã nghe đi nghe lại những cái tin về ánh sáng phía cuối đường hầm tới nhàm.

Một dấu hiệu nữa tớ tự thêm vào đấy là Screen fatigue, hay là cảm giác ngán ngẩm khi nhìn vào màn hình máy tính hay điện thoại, khi mà tớ có quá nhiều cuộc gọi video với khách hàng, hay với đồng nghiệp. Nhiều khi chỉ muốn nằm ngửa lên nhìn trần nhà để thoát khỏi cái bí bách đó. (Và tớ thề là tớ đã chán ngấy việc nhảy lên video call bị chào câu đầu tiên là: How are you doing? Xong cả người nghe cả người hỏi đều gật gật: All good, urgghh)

Bored Episode 15 GIF by The Simpsons

Nếu trầm cảm (depressing) là tầng thấp nhất của cảm xúc, và thăng hoa (flourishing) là ở mức hạnh phúc nhất, thì languishing nằm đâu đó ở giữa, mà các nhà tâm lý học gọi là đứa con thứ bị lãng quên. Và nếu không được chăm sóc, thì những người gặp phải trạng thái thờ ơ với chính bản thân sẽ có khả năng bị trầm cảm cao hơn 3 lần so với những người bình thường. Và chính vì thế tớ muốn chia sẻ bài viết này, cũng như là blog của Adam đến với nhiều người hơn, để hy vọng rằng có ai đó trong hoàn cảnh tương tự không cảm thấy bị lạc lõng, hay là gặp phải sai lầm khi bỏ mặc cái cảm xúc đó như tớ. Bởi vì một trong những bước quan trọng nhất trong việc quản lý cảm xúc là phải nhận ra vấn đề của mình, gọi tên cảm xúc đó, sau đấy mới tới bước xử lý và cân bằng.

Languishing là một cụm từ khá mới, kể cả trong tâm lý học, khi được nhắc tới lần đầu tiên vào năm 2011, thế nên hiện tại vẫn chưa có quá nhiều phương pháp trị liệu được nghiên cứu. Tớ thì không phải là nhà tâm lý học gì, nhưng có một số bước tớ đã thử áp dụng và cảm thấy giúp lên tinh thần được một chút:

  • Chấp nhận, và cho bản thân thờ ơ có kiểm soát: câu này có vẻ hơi sai một chút, nhưng ý tớ là chấp nhận cái trạng thái mình đang gặp phải là một cảm xúc phổ biến trong đợt đại dịch này. Cho phép mình có thời gian down time 1 chút, có thể là cày phim, có thể là có những ngày nằm lười không làm gì mà không phải lo về khối lượng tập hay công việc, và nhận ra là kể cả những người có cuộc sống tạm gọi là tốt thì cũng vẫn có thể gặp phải vấn đề về sức khoẻ tinh thần. Đây là cái mà tớ đã bỏ qua trong mấy tháng vừa rồi.
  • Cho mọi người biết về tình trạng của mình: theo tớ, nói ra những vấn đề về cảm xúc với người khác không đơn giản là chỉ để tìm sự giúp đỡ, mà là để ra tín hiệu cho bản thân, cũng như người đó:
    “Này, mình đang không được ổn lắm, thế nên có thể mình sẽ cư xử không phải là mình cho lắm đấy
    Này, mình đang không được ổn lắm, mình sẽ dễ tổn thương hơn bình thường đấy nhé
    Hay là: Mình đang không được ổn lắm, thế nên không phải mình không muốn gặp, mà là mình đang cần thời gian alone 1 chút”
  • Tạo cho mình những niềm vui nhỏ: Dù ai có nói là những niềm vui ngắn hạn không giải quyết được vấn đề, thì trong thời điểm này, vui được đâu hay đến đó :)) Vì cả thế giới đang giẫm chân tại chỗ như Groundhog Day, nên mình hoàn toàn có quyền được mua những niềm vui nhỏ: thêm chiếc váy xinh, màu son mới, hay là một khoá học ngôn ngữ mà bạn muốn từ lâu. Miễn là mình không tiêu quá khả năng chi trả (My responsible side speaking lool)
  • Đặt những mục tiêu ngắn hạn hơn: Vì phía trước vẫn còn khá mịt mờ, nên thay vì đặt mục tiêu theo quý, theo năm, thì tớ chuyển sang mục tiêu tuần, thậm chí ngày. Ví như là ngày mai dậy đúng giờ, đi ra ngoài được 30 phút chẳng hạn. Ít nhất tớ sẽ không bị breakdown nếu mục tiêu ngày/tuần bị xê dịch đi 1 chút 🙃

Và cuối cùng, vì mọi người đã đọc tới đây rồi, nên tớ chia sẻ một tip nữa, đó là hãy mặc lên chiếc váy hồng lóng lánh, vận động một chút cho lên tinh thần 💪💪. Bạn hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa bóng đều ok.

Need Proof?

Animated GIF

5 4 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

4 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Tíc
Tíc
2 years ago

Chị nghĩ không chỉ trong dịch đâu, Languishing vẫn xảy ra khi không có dịch. Nó chẳng hẳn là trầm cảm, mà khó chịu hơn trầm cảm, kiểu không bắt được đáy thì mãi sẽ không bật ngoi lên í. Cách của chị là lùi lại, tự ngắm nhìn tình trạng của bản thân, cho bản thân trôi đi 1 cách có kiểm soát. Và chờ bắt đáy thôi 🙂 hoặc 1 ngày có 1 cú hích nào đó mà ok mình đã ổn thoát khỏi hố.

Lien
Lien
2 years ago

Đúng trạng thái của mình trong 1 tháng nay đây rồi. Khi mọi thứ lơ lửng, không còn thấy có ý nghĩa & thiếu kết nối. Hi vọng sẽ tìm được vài niềm vui nhỏ, và dần mọi thứ sẽ ổn hơn.
Tìm được blog của Trang vào một ngày lơ lửng thế này, thật là hay!